Sáng 24-7, TP.HCM bước vào ngày thứ 3 trong chiến dịch tiêm vắc xin đợt 5. Trong tình hình thành phố đang tập trung truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị ca mắc COVID-19 thì tiêm vắc xin là một mũi nhọn phòng chống dịch.
Người cao t.uổi tại TP.HCM được tiêm vắc xin đợt 5 – Ảnh: XUÂN MAI
Khảo sát một số điểm tiêm vắc xin trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho biết rút kinh nghiệm từ những đợt tiêm trước đây, chiến dịch tiêm vắc xin đợt 5 có sự chuẩn bị chu đáo để đảm bảo việc tiêm vắc xin được triển khai an toàn cho người dân.
Theo bà Mai, trong tình hình thành phố đang tập trung truy vết, xét nghiệm thì việc tiêm vắc xin cũng là “mũi nhọn” để phòng chống dịch tốt. Việc tiêm vắc xin đợt này không diễn ra khẩn trương chỉ trong vòng 5-7 ngày như trước đây mà kéo dài 2-3 tuần.
Đợt 5 này, thành phố đã lên kế hoạch tiêm cho những người có bệnh nền, người trên 65 t.uổi, người thuộc diện chính sách, người nghèo, yếu thế không có điều kiện tiếp cận vắc xin…
Thành phố tổ chức 312 điểm tiêm, mỗi điểm tiêm có 2 bàn tiêm, như vậy có hơn 600 điểm tiêm trên toàn địa bàn. Các điểm tiêm được các quận, huyện lựa chọn địa điểm phù hợp với không gian rộng rãi, thông thoáng, tiện lợi cho người dân, thực hiện quy trình di chuyển một chiều…
Đặc biệt, hệ thống cấp cứu cũng được triển khai cho từng khu vực. Theo đó, tại mỗi quận sẽ có 2-3 điểm cấp cứu kết nối với Trung tâm Cấp cứu 115 để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra. Thành phố đã lập Trung tâm Điều phối tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 để điều phối toàn bộ hoạt động tiêm vắc xin trên địa bàn.
Bà Mai cho biết thêm, trong bối cảnh tình hình dịch trên địa bàn thành phố còn diễn biến rất phức tạp, việc kết nối người dân gặp một số khó khăn. Với số lượng người tiêm ít và thời gian tiêm trải đều trong ngày nhưng lực lượng nhân viên y tế vẫn chờ từng người một. “Điều này rất hay, vừa đảm bảo giãn cách, các cô chú vừa được chăm sóc rất chu đáo” – bà Mai nói.
Từ ngày 22-7, TP.HCM chính thức tiêm vắc xin đợt 5 cho 15 nhóm đối tượng ưu tiên với 930.000 liều. Theo Bộ Y tế, trong ngày 23-7, cả nước có 67.173 liều vắc xin được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.478.757 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.125.156 liều, tiêm mũi 2 là 353.601 liều.
Sau 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội, số ca nhiễm hằng ngày vẫn ở mức rất cao, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ 0h ngày 24-7 đến hết ngày 1-8.
Chuẩn bị thành lập bệnh viện dã chiến ở quận 7
Số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn quận 7 đang tiếp tục tăng, nhưng hầu hết được ghi nhận ở khu vực phong tỏa.
Theo ghi nhận của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 ở quận 7 (TP.HCM) vẫn tăng, kéo theo sự gia tăng của các khu vực phong tỏa. Đặc biệt, một số phường tập trung nhiều công nhân khu công nghiệp sinh sống.
Xúc tiến xây dựng bệnh viện dã chiến
PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết sau khi làm việc với lãnh đạo quận 7, đoàn công tác của Bộ Y tế đã thống nhất các chiến lược cụ thể trong công tác phòng dịch.
Trong đó, các bộ phận được phân công cụ thể như truy vết, xét nghiệm, lấy mẫu. Mỗi bộ phận có chỉ huy thông suốt. Theo PGS Mạnh, không có sự phân định rõ ràng, khi điều hành, chống dịch sẽ gặp khó khăn.
Một khu vực phong tỏa tại quận 7. Ảnh: Văn Đạo.
Hiện quận 7 có trên 1.700 ca bệnh Covid-19 đang được tiếp nhận tại 14 khu cách ly tập trung tạm thời. Trong đó, 21 ca bệnh chuyển biến nặng nên được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa quận 7 điều trị.
Quận 7 có tổng cộng 130 đội lấy mẫu xét nghiệm. Để tăng cường truy vết, xét nghiệm cho quận 7, Đại học Y Dược Thái Bình đã chi viện 108 người và Đại học Y tế công cộng đã cử 30 người đến hỗ trợ.
Hai vấn đề cấp bách của địa phương là nhu cầu bác sĩ cho khu cách ly tập trung và chuyển 21 bệnh nhân nặng lên tuyến cao hơn để chuyển Bệnh viện Đa khoa quận 7 trở lại thực hiện hoạt động đón tiếp, khám các loại bệnh thông thường khác.
Để thu dung, chăm sóc cho các ca bệnh Covid-19 tốt hơn, quận 7 cũng đang xúc tiến đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 1.000 giường bệnh, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối tuần tới.
Xem khu phong tỏa như khu cách ly
Theo nhận định, đ.ánh giá của tổ công tác Bộ Y tế, dự báo tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cảnh báo nguy cơ làn sóng dịch mới hoặc dịch vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng ở quận 7. Do đó, địa phương này phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương.
Chốt kiểm soát người ra vào tại quận 7. Ảnh: Văn Đạo.
Theo đề nghị của Tổ công tác, chính quyền cấp phường cần quan tâm, tạo điều kiện cho những người làm việc quá tải nghỉ ngơi, tăng cường thêm người thay phiên nhau làm những vị trí trọng điểm, đòi hỏi chất lượng cao như công tác điều phối quản lý xét nghiệm, đưa F0 vào khu cách ly.
Bác sĩ Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, thành viên Tổ công tác Bộ Y tế tại quận 7, cũng cho biết đã thống nhất với lãnh đạo quận 7 là 13 điểm phong tỏa của quận cần thực hiện cách ly từng nhà, từng người với nhau nghiêm ngặt.
Có những trường hợp trong khu phong tỏa đã mang mầm bệnh nên cần áp dụng chặt chẽ hơn, xem các khu phong tỏa này như là khu cách ly tạm thời, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, người dân không được ra khỏi cổng.
Các F1 hoặc ca nhiễm không triệu chứng đã được hướng dẫn cho cách ly nghiêm túc tại nhà. Các tổ công tác vào kiểm tra đồng thời theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe của từng gia đình. Bên cạnh đó, từng hộ dân được cung cấp thực phẩm, hướng dẫn kỹ cách phòng, chống dịch.
Khi xem các điểm phong tỏa như khu cách ly tạm thời, quận 7 cần bố trí thêm nhân viên y tế túc trực, giám sát các khu phong tỏa này để kịp thời nắm bắt tình hình sức khỏe của người dân.