Nghiên cứu đầu tiên về tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Sputnik V cho thấy sự kết hợp này không gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
“Các nghiên cứu về tính an toàn và sinh miễn dịch khi tiêm trộn vaccine Covid-19 của AstraZeneca và phiên bản một mũi của Sputnik V đã được tiến hành ở Azerbaijan hồi tháng hai. 50 tình nguyện viên đã được tiêm trộn và đang mời thêm những người mới. Phân tích ban đầu cho thấy tiêm trộn hai loại vaccine này không gây tác dụng phụ nghiêm trọng hay nhiễm nCoV sau tiêm chủng”, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) ra thông cáo báo chí hôm 30/7.
Dữ liệu ban đầu về khả năng sinh miễn dịch khi tiêm kết hợp hai vaccine AstraZeneca và Sputnik V sẽ được công bố vào tháng sau. Giám đốc điều hành RDIF Kirill Dmitriev kỳ vọng việc tiêm trộn hai loại vaccine này sẽ thành công ở Azerbaijan và các quốc gia khác, cho phép triển khai hiệu quả hơn các chương trình tiêm chủng để bảo vệ người dân trên thế giới.
Lãnh đạo hãng dược AstraZeneca cũng bày tỏ kỳ vọng về kết quả tiêm trộn vaccine Covid-19, cho biết kết hợp các loại vaccine khác nhau là một trong những phác đồ tiêm chủng hứa hẹn nhất để nghiên cứu.
Các mẫu vaccine Covid-19 (từ trái qua phải) của Pfizer, AstraZeneca, Sputnik V và Moderna. Ảnh: Reuters.
Phiên bản vaccine Covid-19 một liều của Sputnik V là Sputnik Light. RDIF cho biết loại vaccine này có thể được dùng tiêm trộn để tăng hiệu quả, kể cả khả năng chống lại các biến chủng mới.
Cơ quan đăng ký dược phẩm quốc gia Nga hôm 26/7 cho biết 5 cơ sở y tế nước này sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Sputnik V, dự kiến kết thúc vào đầu tháng 3/2022.
Một số nghiên cứu cho thấy kết quả khả quan trong tiêm trộn vaccine Covid-19, song nhiều nhà khoa học cho rằng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu sâu rộng hơn để củng cố phương án này. Tiêm trộn vaccine Covid-19 còn được coi như lựa chọn tốt ở một số nước đang thiếu một loại vaccine nhất định.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về vấn đề tiêm trộn, cho rằng quyết định chọn loại vaccine kết hợp và khoảng thời gian giữa các mũi tiêm phải được cơ quan y tế hướng dẫn cụ thể.
Việt Nam đã đảm bảo được 105 triệu liều vaccine
Việt Nam đặt mục tiêu mua 150 triệu liều vaccine Covid-19 để tiêm cho 70% dân số, tới nay đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều.
Trong số 105 triệu liều vaccine Covid-19 mà Việt Nam đã đảm bảo được, 38,9 triệu liều do chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ, 30 triệu liều AstraZeneca ký hợp đồng với Công ty cổ phần vaccine Việt Nam VNVC, 31 triệu liều được Pfizer ký với chính phủ và 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho công ty Zuellig Pharma Việt Nam, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao hôm nay.
Việt Nam đang đàm phán mua thêm 55 triệu liều vaccine, bao gồm 40 triệu liều Sputnik V do Tập đoàn T&T đàm phán với Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga và 15 triệu liều Covaxin do Bộ Y tế đàm phán với Ấn Độ.
Tính đến ngày 12/7, Việt Nam đã nhận được khoảng 8 triệu liều vaccine Covid-19, sắp tới sẽ tiếp tục nhận thêm từ những nguồn đã đàm phán mà các nước và hãng sản xuất đồng ý chuyển giao sớm, cùng những nguồn hỗ trợ của các đối tác song phương và tổ chức quốc tế.
Hơn 2 triệu liều vaccine Covid-19 do Mỹ tài trợ tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, hôm 10/7. Ảnh: Ngọc Thành.
Cụ thể, chương trình COVAX sẽ phân bổ tiếp cho Việt Nam hơn một triệu liều Pfizer-BioNTech trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9, sau khi đã chuyển khoảng 4,5 triệu liều vaccine Covid-19, đồng thời cam kết ưu tiên hơn cho Việt Nam trong những lần phân bổ tiếp theo.
Bên cạnh đó, COVAX ủng hộ hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA, cử các chuyên gia đến Việt Nam giúp nghiên cứu và sản xuất vaccine đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và được thế giới công nhận. Chương trình của WHO cũng sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine trong khu vực.
Trong số 80 triệu liều vaccine Covid-19 cam kết chia sẻ với các nước thông qua cơ chế COVAX, Mỹ quyết định hỗ trợ khẩn cấp Việt Nam 2 triệu liều vaccine Moderna, đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên nhận viện trợ vaccine. Các doanh nghiệp Mỹ cũng ký những hợp đồng chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp Việt Nam.
Số vaccine Việt Nam đã đảm bảo được: Bên cung cấp Số liều ( Đơn vị tính: Triệu ) COVAX 38,9 AstraZeneca 30 Pfizer 31 Moderna 5
Sau khi hỗ trợ Việt Nam 2 triệu liều vaccine AstraZeneca, Nhật Bản sẽ viện trợ thêm một triệu liều trong thời gian tới, dự kiến chuyển vào ngày 16/7. Nước này cũng sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam về thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao và bán công nghệ sản xuất vaccine.
Ngoài ra, danh sách vaccine Việt Nam đã nhận còn 500.000 liều Vero Cell của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm và 1.000 liều Sputnik V từ Nga. Trong khi đó, Hàn Quốc hỗ trợ 30 triệu xi lanh tiêm, tương đương khoảng 2,5 triệu USD. Chính quyền và nhân dân một số bang của Đức gửi tặng một triệu bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19.
Nhiều nước khác cam kết hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới, như Australia cam kết viện trợ 13,5 triệu AUD (hơn 10 triệu USD) để mua vaccine thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), đồng thời tặng thêm 1,5 triệu liều AstraZeneca từ nay đến cuối năm.
Anh cũng cam kết đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên khi xem xét phân bổ 100 triệu liều vaccine mà nước này hỗ trợ thế giới thông qua COVAX và song phương, đồng thời bày tỏ sẵn sàng trao đổi với AstraZeneca về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực tự sản xuất vaccine.