Theo nghiên cứu mới, người tiêm mũi 1 với vaccine AstraZeneca và liều thứ 2 với vaccine Pfizer sẽ giúp mức kháng thể gấp 6 lần so với người tiêm 2 liều AstraZeneca.
Nghiên cứu trên được thực hiện tại Hàn Quốc với sự tham gia của 499 nhân viên y tế – 100 người được tiêm hỗn hợp hai loại vaccine, 200 người tiêm hai liều Pfizer-BioNTech và 199 người tiêm hai liều AstraZeneca, theo Reuters .
Tất cả trường hợp đều cho thấy kháng thể trung hòa ngăn virus xâm nhập vào tế bào. Đặc biệt, kết quả của hai liều vaccine hỗn hợp thể hiện lượng kháng thể tương tự hai mũi Pfizer.
Tiêm mũi một AstraZeneca và mũi hai Pfizer cho kết quả kháng COVID-19 tốt. Ảnh: Reuters.
Theo cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nghiên cứu này của Hàn Quốc cũng phân tích hoạt động vô hiệu hóa hoạt động của các biến chủng chính đáng lo ngại.
Một nghiên cứu của Anh hồi tháng 6/2021 cũng cho kết quả tương tự – một mũi tiêm AstraZeneca và sau đó là một mũi Pfizer có thể tạo ra phản ứng tế bào lympho T tốt nhất.
Thông tin trên củng cố quyết định của một số quốc gia khi lựa chọn tiêm vaccine khác cho mũi tiêm thứ hai sau khi đã tiêm liều AstraZeneca đầu tiên.
Hà Nội triển khai tiêm vắc xin tại các trung tâm y tế quận, huyện
Hà Nội sẽ triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 tại các trung tâm y tế quận, huyện với cả ba loại vắc xin AstraZeneca, Pfizer và Moderna.
Tuyến phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ bị phong tỏa sau khi phát hiện bệnh nhân COVID-19, dịch bệnh đã xuất hiện ở 27 quận, huyện của Hà Nội – Ảnh: NGỌC QUANG
Sở Y tế TP Hà N.ội yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP khẩn trương thực hiện xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19 các đợt tiếp theo căn cứ đối tượng cần tiêm, đã tiêm, số lượng vắc xin được phân bổ, đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng, khẩn trương và tổ chức tiêm ngay sau khi nhận được vắc xin.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội, trong các đợt tiêm tới, đối với vắc xin phòng COVID-19 BNT162b2 (Comirnaty) của Pfizer có thể sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm đồng ý và tiêm mũi 1 cho những người chưa được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 .
Sở Y tế lưu ý vắc xin này đã được bảo quản trong nhiệt độ 2-8 độ C thì phải sử dụng hết trong vòng 31 ngày, bao gồm thời gian bảo quản, vận chuyển và tiêm chủng.
Đối với vắc xin Moderna, thực hiện tiêm mũi 1 cho các đối tượng chưa được tiêm vắc xin. Vắc xin này được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C nên phải sử dụng hết trong vòng 30 ngày, bao gồm thời gian bảo quản, vận chuyển và tiêm chủng.
Đối với vắc xin của AstraZeneca, thực hiện tiêm mũi 1 và trả mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca, đảm bảo khoảng cách ít nhất 8 tuần. Trong một số trường hợp đặc biệt cần hoàn thành đủ 2 mũi vắc xin sớm thì có thể thực hiện mũi 2 với khoảng cách ít nhất là 4 tuần.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị triển khai tiêm hết loại vắc xin Moderna và vắc xin Pfizer nếu được phân bổ rồi mới chuyển sang tiêm bằng vắc xin của AstraZeneca.
“Đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả, xây dựng kế hoạch tiêm chủng hợp lý, tránh hao phí vắc xin và sử dụng hết vắc xin trước hạn sử dụng, tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vắc xin ở cùng 1 thời điểm để tránh thắc mắc, đảm bảo công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm”, Sở Y tế Hà Nội nêu rõ.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu chuyển đối tượng thận trọng cần tiêm chủng tại bệnh viện hoặc các cơ sở có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu theo phân cấp các điểm tiếp nhận của Sở Y tế.
“Đẩy mạnh truyền thông cho người dân về lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh cũng như tuân thủ thực hiện thông điệp 5K vắc xin phòng chống COVID-19, yêu cầu người dân sử dụng ứng dụng Sổ sức khỏe diện tử để đăng ký tiêm chủng, theo dõi tiêm chủng và cập nhật phản ứng sau tiêm chủng”, Sở yêu cầu với các đơn vị y tế toàn TP.