Các triệu chứng tăng đường huyết thường phát triển chậm trong vài ngày hoặc vài tuần. Lượng đường trong máu ở mức cao càng lâu thì các triệu chứng càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Đường huyết tăng cao là tình trạng lượng đường glucose có trong máu tăng vượt quá so với mức bình thường. Đường huyết tăng cao nếu không điều trị kịp thời lâu dần có thể dẫn đến đái tháo đường – một căn bệnh mãn tính rất phổ biến hiện nay. Vậy dấu hiệu để nhận biết tình trạng đường huyết tăng cao là gì?
5 dấu hiệu chứng tỏ đường huyết tăng cao
1. Thường xuyên cảm thấy đói
Nếu cơ thể đã hấp thụ rất nhiều thực phẩm trong bữa ăn nhưng sau đó vẫn có cảm giác đói thì đó là biểu hiện của tình trạng lượng đường trong máu tăng cao. Bởi vì lúc này chức năng trao đổi chất của cơ thể đã bị rối loạn, thức ăn đi vào cơ thể nhưng không được hấp thụ nên dẫn đến tình trạng luôn cảm thấy đói dù trước đó đã ăn no.
Ảnh minh hoạ: Luôn luôn có cảm giác đói là dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao.
2. Khát quá mức
Khi cơ thể cố gắng điều tiết để khôi phục sự cân bằng lượng đường trong máu bằng cách thải trừ lượng đường dư thừa thông qua nước tiểu. Do đó, thận phải tăng cường hoạt động để thải lượng glucose dư ra khỏi cơ thể và chất lỏng từ các mô cơ thể cũng mất theo. Mất nhiều chất lỏng nên cơ thể sẽ luôn cảm thấy khát và muốn uống nhiều nước hơn. Nếu bạn uống nước liên tục nhưng vẫn không cảm thấy hết khát thì đó có thể là dấu hiệu của tăng đường huyết.
3. Đi tiểu nhiều
Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt vào ban đêm có thể là dấu hiệu của đường trong máu cao. Đây là kết quả của việc thận lấy thêm nước ra khỏi các mô để làm loãng lượng đường thừa trong máu và loại bỏ đường qua nước tiểu.
4. Mệt mỏi
Nếu cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ dù đã ngủ đủ giấc thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy đường huyết tăng cao. Lượng đường trong máu cao nhưng ít được đưa vào bên trong tế bào để tạo năng lượng, điều này khiến bạn cảm thấy cơ thể luôn chậm chạp hoặc mệt mỏi.
Ngoài ra, thường xuyên phải tỉnh giấc giữa đêm để đi vệ sinh cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ và khiến bạn mệt mỏi.
5. Giảm cân
Giảm cân không chủ đích là dấu hiệu cho thấy đường huyết tăng cao và nguy cơ cao là bạn đã mắc tiểu đường. Tình trạng này chủ yếu là do cơ thể chuyển hóa bất thường và không thể sử dụng lượng đường trong máu để tạo năng lượng.
Khi nào cần đi khám?
Khi phát hiện bản thân có những dấu hiệu bất thường, diễn ra trong khoảng thời gian dài và nghi ngờ là tăng đường huyết thì mọi người nên đến bệnh viện để kiểm tra để chẩn đoán sớm.
Trong trường hợp bạn chỉ bị tăng đường huyết và chưa mắc tiểu đường thì không cần quá lo lắng. Lúc này, bạn chỉ cần điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống theo tư vấn của bác sĩ để giúp ổn định đường huyết.
Ảnh minh hoạ: Khi có dấu hiệu bất thường diễn ra trong thời gian dài bạn nên đi khám ngay.
Ổn định đường huyết tự nhiên thế nào?
1. Ăn ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là những loại ngũ cốc chỉ loại bỏ các lớp vỏ trấu bên ngoài các hạt ngũ cốc. Đồng thời giữ lại toàn bộ phần bên trong hạt. Chính vì vậy, ngũ cốc nguyên hạt sẽ giữ lại toàn bộ lượng chất dinh dưỡng tự nhiên có trong từng hạt ngũ cốc. Các loại ngũ cốc nguyên hạt phổ biến có thể kể đến như lúa mạch, hạt kê, gạo lứt, yến mạch, kiều mạch,…
Đối với những người có lượng đường trong máu cao, thay vì sử dụng các gạo trắng thì nên sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt làm nguồn thực phẩm chính trong các bữa ăn vì các loại ngũ cốc nguyên hạt thường giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Chất dinh dưỡng trong ngũ cốc nguyên hạt không chỉ giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể mà còn góp phần giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Ảnh minh hoạ: Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, có tác dụng ổn định đường huyết hiệu quả.
2. Các loại rau củ quả
Cho dù người khỏe mạnh hay người có lượng đường huyết tăng cao thì trong mỗi bữa ăn đều nên đảm bảo có ít nhất một loại rau, củ, quả, đặc biệt là các loại rau sẫm màu. Các loại rau củ quả nhìn chung cũng chứa hàm lượng chất xơ phong phú có tác dụng làm chậm quá trình phân giải và hấp thu glucose làm lượng đường máu tăng lên từ từ, không tăng đột ngột, từ đó giúp điều hòa lượng đường trong máu hiệu quả.
Có thể tham khảo các loại rau lá xanh như: cải bó xôi, cải xoăn, các loại rau họ cải và bông cải xanh, bông cải trắng, cải Brussel (bắp cải tí hon),… hoặc các loại quả mọng như việt quất, dâu tây, mâm xôi,… hoặc táo, đào, mơ, lê để nguyên vỏ, cam, kiwi,…
Thêm quả bơ vào chế độ ăn. Một nghiên cứu năm 2013 đã cho thấy bơ cung cấp một loạt các lợi ích đối với sức khỏe như cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ quản lý cân nặng,… Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần chú ý chỉ nên ăn một lượng bơ vừa đủ và hạn chế thêm các gia vị tạo ngọt như đường hay sữa đặc vào bơ sẽ làm phản tác dụng.
Ảnh minh hoạ: Các loại rau củ quả có tác dụng làm chậm quá trình phân giải và hấp thu glucose, giúp ổn định lượng đường máu.
3. Bổ sung chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh có tác động tích cực đến sức khỏe như làm giảm cholesterol máu, cải thiện sức khỏe tim mạch, giúp đường huyết trở nên ổn định hơn.
Các chất béo có lợi cho sức khỏe là chất béo không bão hòa. Chúng tồn tại khá nhiều trong một số loại thực phẩm thường thấy như:
– Các loại cá (tốt nhất là cá hồi, ngoài ra còn có các loại khác như cá ngừ, cá thu,…).
– Dầu ô liu, dầu hạt lanh.
– Các loại hạt (chẳng hạn như hạt điều, hạt óc chó,…)