Chiều con cho xem điện thoại nhiều, cha mẹ đang ‘rước’ bệnh vào người con trẻ

Nhiều bậc phụ huynh hiện vẫn chủ quan với việc để con nhỏ xem điện thoại không kiểm soát. Điều này vô hình chung khiến sức khỏe của con bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

4 hệ quả khi con trẻ sử dụng điện thoại quá nhiều

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, những năm gần đây, công nghệ thông tin phát triển, nhiều bậc phụ huynh bận rộn với công việc mà không có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Mỗi lần con cái quấy khóc, nhiều cha mẹ thường cho con xem các chương trình trên điện thoại, iPad, thậm chí trong nhiều giờ đồng hồ. Điều này có thể để lại hệ quả vô cùng xấu, và nhiều trẻ đã gặp các bệnh lý vô cùng nguy hiểm, theo chuyên gia.

Thứ nhất, những nội dung trong điện thoại là ‘nội dung ảo’, trong khi đó trẻ dưới 5 tuổi chưa nhận biết thế giới xung quanh nhiều. Nếu xem điện thoại nhiều, các con có thể sẽ không biết được đâu là thực, đâu là ảo, chuyên gia cảnh báo.

Thứ hai, việc sử dụng điện thoại nhiều sẽ khiến các con bị lệ thuộc và say mê nó. Những đứa trẻ dùng điện thoại nhiều thường có xu hướng ít giao tiếp và không thích nói chuyện.

“Còn nhớ mấy năm trước, tôi điều trị cho một bệnh nhi hơn 10 tuổi từ Điện Biên xuống, với biểu hiện rất lạ lùng như nằm đau, ngồi đau, không học được. Nhưng khi đưa điện thoại cho sử dụng thì như một người bình thường. Khi ấy tôi chẩn đoán nhưng bố mẹ không tin, mặc dù gia đình đã đưa đi rất nhiều bệnh viện, uống khá nhiều thuốc nhưng không thuyên giảm. Mãi sau khi điều trị có tiến triển bố mẹ mới tin việc con mình nghiện điện thoại”, BS Dũng nhớ lại.

Thứ ba, việc sử dụng điện thoại nhiều sẽ khiến chức năng não của con trẻ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là các chương trình tiêu cực, xấu, không phù hợp độ tuổi có thể khiến con trẻ bị ‘ngộ độc online’.

Ngoài ra, theo các nghiên cứu, điện thoại có bức xạ vô cùng lớn, nhất là khi sạc điện thoại gần các con, bức xạ có thể cao gấp 1000 lần bình thường. Bức xạ điện thoại có thể khiến con trẻ chậm phát triển, rối loạn tâm lý, thậm chí gây ra u não. Theo nghiên cứu, não bộ của trẻ chứa nhiều dung dịch hơn người lớn, phần vỏ não cũng mỏng hơn nên trẻ có nhiều nguy cơ hấp thụ và “ngấm” bức xạ điện thoại hơn so với người lớn.

Ví dụ điển hình là ngày càng nhiều trường hợp trẻ nhỏ mắc hội chứng tự kỷ, tăng động, giảm chú ý, nhất là ở khoảng thời gian dịch bệnh, các con tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng quá nhiều.

Thứ 4, ngoài ảnh hưởng đến não, thần kinh, việc sử dụng điện thoại còn ảnh hưởng đến xương khớp. Với thói quen cầm điện thoại lâu, hành động bấm điện thoại nhiều lần trong thời gian dài sẽ gây ra cảm giác đau nhức phần gốc các ngón tay, khó gập lại được hoặc khó duỗi. Đây được gọi là hội chứng ngón tay cò súng.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng smartphone đồng nghĩa với việc bạn phải gập và xoay cổ tay vào trong quá mức. Tình trạng này kéo dài sẽ gây kích thích bao gân ở vùng cổ tay, dễ gây ra tình trạng viêm, đau nhức.

Ngoài ra, cổ tay bị gập có thể khiến dòng máu không được lưu thông để khớp nhận đủ máu. Điều này sẽ càng đẩy nhanh quá trình ống cổ tay bị tổn thương.

Chiều con cho xem điện thoại nhiều, cha mẹ đang ‘rước’ bệnh vào người con trẻ - Ảnh 1.

Cho con dùng điện thoại kéo dài có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh minh họa

Hầu hết khi chúng ta dùng điện thoại thường cúi sát xuống. Hành động này tưởng chừng như vô hại, nhưng thực tế nó rất có hại cho hệ xương khớp cổ bởi vì khi chúng ta cúi xuống như vậy sẽ kéo căng đốt sống ở cổ. Thói quen này sẽ kích thích các sợi dây thần kinh ở đốt sống cổ, ngoài ra còn làm hạn chế dòng máu tới các khớp xương ở đây, làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp cổ.

Cha mẹ cần làm gì?

Ngày nay, rất khó để cấm trẻ sử dụng điện thoại hoàn toàn. Nhưng cha mẹ có thể kiểm soát còn bằng một số cách:

– Không nên để con chơi, sử dụng điện thoại quá lâu.

– Thay vì sử dụng điện thoại thường xuyên, hay tương tác với con trẻ nhiều hơn, kết hợp chỉ cho con những kiến thức trên mạng xã hội và đời thực.

– Khi dùng diện thoại nên chú ý tư thế ngồi, việc sử dụng các ngón tay để tránh đau mỏi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *